Tiểu Hội San Jose 2011 và Những Ngày Họp Mặt.
Các anh về đây từ mọi nẽo
Gặp lại nhau cùng kể chuyện tâm tình
Bao tháng năm : Ai còn, ai mất?
Kể từ ngày đất nước điêu linh…
Thành phố San Jose California trong những ngày 27 – 28 – 29/5/2011 là những ngày họp mặt Nha Kỹ Thuật - Trên danh nghĩa là một Tiểu Hội NKT – Và sở dĩ danh xưng “Tiểu Hội” cũng là ý khiêm nhường vì NKT mỗi 2 năm mới có đại hội một lần, được luân phiên tổ chức tại các tiểu ban Hoa kỳ. Đến nay, đã qua lần thứ VIII.
Và cũng là lần đầu tại Bắc California có một hội đoàn Nha Kỹ Thuật được thành lập (Hội Ái Hữu NKT/Bắc CA). Sau 36 năm nơi xứ người, hầu hết các hội đoàn quân binh chủng đều có. Duy chỉ NKT là anh em (từ trên 30 năm) tại Bắc Cali cũng chỉ họp nhau từng nhóm nhỏ cùng sinh hoạt lặng lẽ âm thầm. Và cũng chính vì sự “im hơi lặng tiếng” - bản chất của đơn vị biệt kích – bây giờ mới ra mặt, nên một số anh em có phần ái ngại. Tổ chức cho một cuộc “hội” qui mô có thành công không?
Không ai dám xung phong nhận việc. Nguyễn văn Trung đánh nước liều xung phong tình nguyện để làm. Xin anh em chiến hữu mình hợp lực yểm trợ.
OK, thì anh thích cứ làm. Anh em hứa sẽ hết lòng hổ trợ cho. Và như vậy là dự trù cho một Tiểu Hội được hình thành. Được sự đồng ý ủy thác từ Tổng hội NKT, và được một số cổ vỏ từ các nơi, một ban tổ chức Tiểu hội NKT/ San Jose võn vẹn chưa quá 10 anh em.
Suốt một năm cùng nhau hẹn, hội họp, phân nhiệm, chuẩn bị… và đến cuối tháng 5/2011, đúng dịp lễ Memory Day thì thành phố San Jose lại xuất hiện lỡn vỡn một số anh em BK nón đỏ, đồ rằn tại một số quán cà phê phố thị. Một số anh em từ xa tựu họp qui về. Và tại các Hội đoàn địa phương bạn cũng đã được phổ biến gọi nhau qua giấy mời của Tiểu Hội NKT/San Jose 2011..
Nha Kỹ Thuật là Hội đoàn nào? Từ lâu chưa biết tới? Là Lôi Hổ, là Biệt Kích, là quân đội bí mật vô danh… là hoạt động âm thầm trong bóng tối? Một số câu hỏi (lấy làm lạ) được nêu ra, cũng tại mấy bàn cà phê. Và Nha Kỹ Thuật được sự chú ý. Và có lẽ vì vậy mà một số đông đều muốn tham dự.
Đêm Tiền Tiểu Hội:
Ngày đầu, họp mặt tại nhà của chiến hữu Tổng hội phó TH/NKT Nguyễn đức Nhữ được qui tụ cũng đông anh em: một số từ xa vừa về, một số là ở địa phương, và một số là thân hữu (ruột) như các niên trưởng Nguyễn Mâu, Nguyễn Lô (nhãy dù), và Hồ Tịnh… Các ông nghe các niên trưởng như Đoàn Kim Tuấn, Nguyễn Phan Tựu có mặt nên đến (vì là bạn bè, chiến hữu ngày trước) đến để gặp mặt thăm nhau.
Các chị, các cô, cả các hậu duệ (nam nữ) cũng chỉnh trang quần tụ về trong khuôn viên ngôi nhà của Nguyễn đức Nhữ, khang trang, vừa đủ rộng trên một ngọn đồi.
Thế là anh em (cả các chị) tay bắt mặt mừng, ôm nhau mừng vui thắm thiết. Không thiếu những dòng lệ cảm động tuông rơi, sau 36 năm, bây giờ gặp lại. Những tưởng đã không còn gặp lại nhau. Và cũng những giọt lệ tiếc thương với tin những thằng bạn thiết thân mà giờ đây không còn nữa.
Những cái đầu hoa râm, trắng phếu, những mái tóc lưa thưa, có cả mái tóc bù xù không chải gở gục vào nhau trong nỗi mừng vui. Thân dáng ngày nào không còn lành lặn như Phạm Vũ (độc thủ), chỉ còn một tay vẫn ghì chặt bạn cũ thắm thiết, đôi môi run run đón nhận một phần cốc rượu từ thằng bạn lâu ngày, dù rằng từ lâu anh bỏ rượu.
Hàn huyên, tâm sự từng chổ băng ngồi, từng góc bàn ăn. Thì giờ không có đủ để nói nhau nhiều. Gặp một đứa nói chưa xong thì đứa khác lại tới. Không gian co hẹp, thời gian cũng chỉ vừa đủ trao hỏi nhau những điều cần nói năm ba câu để rồi tìm đứa khác. Hơn 4 giờ chẳng thấm vào đâu. Một tốp văn nghệ - văn nghệ nội bộ và văn nghệ được mời - Một cây đàn ghi ta (trên tay Lương Văn Lập) cùng một ít “ca sĩ” lần lượt trình diễn: đồng ca, hợp ca, đơn ca… Tất cả là nhạc, là thơ, ca nói về đời lính.
Cô Hoàng mộng Thu, đại diện cho ban văn nghệ Lam Sơn - tiếng nói “Hát Cho Lính” (phát thanh trên đài AM 1120) – góp phần làm MC và phỏng vấn đã gây nên không khí khá sôi động và vui. Từng chìến hữu NKT cũng không ngần ngại cầm micro hát ca, tỏ lộ tâm sự, tâm tình.
Theo cô Hoàng mộng Thu, lần đầu cô được quen và biết về NKT mà còn gọi là Lôi Hổ. Các anh, từ trước nay (em) chưa được rõ: thế nào là Lôi Hổ, thế nào là Biệt Kích, mà BK trong rừng, BK của núi rừng, cả BK nhảy Bắc nhảy Lào, nghe người ta có nói mà em chưa được rõ?
Chiến hữu Phạm Hòa có dịp giải thích: BK là tiếng chung, và có nhiều thứ BK, như: CIDG dân sự chiến đấu (BK biên phòng LLĐB), BK /PRU (BK Tỉnh), và SCU (BK/NKT) nhãy Toán, mệnh danh là Lôi Hổ.
Hoàng Mộng Thu lại dí dỏm: Nghe nói các BK Lôi Hổ có lúc cũng bị hổ lôi? Có phải là các anh đi ra là hổ rừng, và về nhà bị hổ nhà (các bà) lôi không? Các anh có anh nào đã bị chưa?
-Thật ra thì không, mà đôi khi cũng có. Một anh trả lời. Bà nhà mà thành hổ, muốn lôi thì cũng để cho lôi luôn…
Phạm Hòa lại một phen giải thích: Lôi là thunder (là sấm sét), hổ là tiger (là cọp). Ý nói BK/NKT hành quân nhãy toán như những đòn sấm sét từ trên (trên trời) lao xuống vào rừng như cọp. Lôi hổ là cọp lao ra từ sấm sét. Chị có thể nhìn vào huy hiệu của từng đơn vị trên áo mà hiểu ý nghĩa.
Một màn phỏng vấn lại tiếp tục. Bây giờ xin phép, cho Hoàng Mộng Thu được phỏng vấn một vài chị:
-Chị phó tổng (Nguyễn đức Nhữ phu nhân). Xin chị cho biết vì sao chị yêu và lấy anh Nhữ, ông anh Lôi Hổ này. Chị yêu thích ở điểm nào: gan dạ, anh hùng, đẹp trai, tài giỏi hay là gì gì?
-Thật tình tôi thích anh ấy chỉ vì bộ đồ anh mặc - bộ hoa dù lôi hổ.
-Chỉ vì bộ hoa dù rằn ri mà chị gắn bó với anh trên 4-50 năm, và suốt cả cuộc đời?
-Thật ra thì cũng vì nhiều thứ khác, nhưng bộ đồ là hấp dẩn tôi nhứt. Cũng chính vì cái “chất” (không biết có phải là lãng mạn không?) mà đời tôi hầu như đã gắn bó với”ông xã” Lôi Hổ NKT chỉ vì yêu thích bộ hoa dù. (Tất cả cùng cười, cười thích thú).
Cũng không thể không nói đến tấm lòng của những người vợ lính NKT (nói riêng) và QLVNCH (nói chung). Có lẽ cũng không phải vì danh vọng, địa vị hay bạc tiền, bổng lộc, qua thời gian thăng trầm vận nước, qua một thời điêu đứng đao binh, mà người vợ lính với những tấm gương hy sinh chịu đựng. Sức chịu đựng, sự hy sinh của người vợ quân nhân QLVNCH cần được vinh danh ca ngợi.
Và nói riêng, người vợ BK/ NKT (Lôi Hổ) đã từng tháng năm ở nhà chịu đựng, lẻ loi trông chờ chồng đi công tác. Sau chiến tranh là tần tão lo gia đình, và cả lo nuôi chồng thời gian tù đày cải tạo. Để tới bây giờ, nếu may mắn qua được đất nước tự do, nơi quê người, cũng vẫn là vì chồng con khi mái đầu đã bạc. Đáng ca ngợi, đáng vinh danh biết bao. Bộ đồ rằn hoa dù, chỉ là một hình ảnh để nói – mà thật sự ở con người lính chiến BK – từ dáng dấp, tác phong, tình cảm, sức chịu đựng, sự gan dạ hy sinh… bao thứ như vậy, cũng đáng được quí bà yêu thương và gắn bó cuộc đời?
Đêm hội ngộ 2 (28/5/2011)
Tại nhà hang Paloma trong khu Grand Century là trung tâm thương mại chính của thành phố San Jose. Đêm thứ 2 của Tiểu Hội hầu như khá đông đủ thành phần anh em NKT qui về tham dự. Ngoài ra, một số khách thân quen, các hậu duệ cùng ban văn nghệ Lam Sơn. Đông đúc hơn, vui nhộn hơn, và càng sôi động hơn đêm trước.
Cũng những cái bắt tay thân thiết, nhhững cái ôm nhau chí nghĩa chí tình, và cũng có những giọt nước mắt cảm động mừng vui. Một tốp hậu duệ NKT cùng các ca sĩ (già trẻ) với những chiếc áo dài VN, choàng qua thân mình mảnh băng hình ảnh của cờ vàng ba sọc đỏ rất đẹp và nổi bật. Nhìn mà yêu thương xúc động. Các em, các cháu là nhân viên ban tiếp tân, là ca sĩ góp phần giúp vui với những bản tình ca quê hương, những bài ca nói về lính.
Không gian dưới ánh đèn mờ tỏ, ăn uống, hát ca và khiêu vủ. Chuyên nghiệp có, mà nghiệp dư vì cao hứng, hứng chí lên ca cũng có. Các ca sĩ như: Trúc Mai, Mộng Thu. Kiều Thu lên trình diễn rất được tán thưởng. Nữ ca sĩ Thanh Hồng hát tưởng nhớ Cậu Sáu (cố Tr/t Trần đắc Trân). B/s Phạm Lễ hát bài “mấy dặm sơn khê) ca để góp vui và đê tưởng nhớ người anh B/s Phạm Vận (Đ3/SLL). Họp ca bài “Sáu mươi năm cuộc đời” tặng chị Vũ thúy Ngân, kỷ niệm thương nhớ khôn nguôi NT mến yêu Th/t Hồ đăng Nhật.
Những ca sĩ “lính” nhà ta, nổi đình nổi đám nhất phải nói là NT Nguyễn Phan Tựu, giọng ca trên 6 bó mà rất ngọt ngào mùi mẫn, không thua gì Chế Linh, Nhật Trường, được Hoàng mộng Thu ưu ái tặng mỹ danh là “cù lũ”.
Nguyễn Dực, hay hát hơn hát hay. Vẫn rất ư là phong độ, (dù mái tóc muối nhiều hơn tiêu) ngất ngưỡng vang tiếng, luôn tự hào: “Lôi Hổ đánh giặc thì hăng mà ga lăng cũng không kém”, ca chẳng thua ai. Anh hát trong nỗi niềm tâm sự đớn đau cho vận nước, với bài: “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu cơm…” Nghe mà muốn khóc. Quê hương miền Trung, nghèo đến đổi cái tên còn không có được một chữ “lót”.
Độc thủ Phạm Vũ, một MC già dặn, duyên dáng, nói nhiều câu rất tếu, tỏ ra rất có biệt tài. Anh tâm sự: Xin ai đừng gọi anh em chiến binh thương tật là “thương phế binh”. Nghe đau lòng lắm. Thương tật chưa hẵn là phế bỏ, là vất đi, mà bị gọi là “phế”. Nhiều người vẫn là hữu dụng, vẫn là giúp ích cho đời. Một tràn pháo tay vổ lên thật dòn đồng ý, tán thưởng. Chí lý!
Đêm vui tiếp diễn hầu như khó dứt. Từ cá nhân, từng tốp, hết bài này đến bài khác. Một sân khấu quá chật chỉ đủ để cây đàn piano với anh nhạc sĩ. Không có chổ để nhúng ngẩy, múa ca. Hứng chí, anh em mò ra khá đông, chủ nhà hang phải cho dẹp bớt bàn phía dưới rộng ra để cùng nhau nhảy. Còn lành lặn vẫn nhảy, mà thương tật khiếm khuyết chân tay cũng nhảy, cũng dìu bước cùng đi. Nhảy, hầu hết các ông, quí bà, cùng ca sĩ. Một bàn gồm các niên trưởng đã trống chổ. Thì ra các ông cũng ra “nhảy”. NT Đoàn kim Tuấn, NT Nguyễn Phan Tựu, NT Nguyễn quí An với đôi tay là đôi que sắt cũng lả lướt, bay bướm.
Không khí đêm hội ngộ thứ 2 rất thấm tình, sôi động. Đoàn văn Khánh, một chân, đi cà nhắc, Nguyễn hùng Anh (mất hai bàn tay) cũng ra “sân khấu”. Đêm họp nhau của tình chiến hữu. Vui biết bao.
Bốn giờ đồng hồ trôi qua, chưa thấm vào đâu. Trên 3-4 mươi năm, biết bao nhiêu điều tâm sự, biết bao chuyện đổi trao… Thời gian có hạn. Rồi cũng tạm chia tay. Chiến tích chưa kịp dọn xong, còn ngổn ngang đây đó: Những vỏ chai Heineken nằm lăn lóc. Những chai Martel (khui uống dang dở) trên bàn… Để đó, chia tay và hẹn gặp nhau một đêm nữa, tối ngày mai.
Đêm hội ngộ 3 (29/5/2011)
Qua 2 ngày và đêm trước (27-28/5), có thể nói anh em NKT từ xa hoặc gần cũng đã lần lượt tề tựu đủ mặt (theo danh sách đã ghi danh). Đêm hôm nay (29/5) không chỉ riêng NKT mà tiếp đón quan khách được mời.
Theo ban tổ chức, với số lượng được tính: anh em NKT (phe nhà) khoảng 120, thêm gia đình thân nhân và hậu duệ, dự trù: 150 chổ. Quan khách, các hội đoàn: khoảng 150. Ban nhạc, ca sĩ cùng một số linh tinh khác: trù liệu khoảng 100. Như vậy là ngót nghét: 400 chổ ngồi. Dự liệu cho 40 bàn. Tuy nhiên, trưởng ban tổ chức chịu chơi, với tổng số bàn của nhà hàng Phú Lâm là 45 bàn – bao hết - Dự trù 450 thực khách.
Ban tổ chức (thể theo ý kiến chung), có quyết định: thứ 1/- không đón mời cơ quan truyền thông (phát thanh, báo chí, truyền hình…) dù rằng cá nhân một số hội đoàn phát thanh, báo chí địa phương San Jose vẫn được mời. Thứ 2/- không cho phép cơ quan công cộng lạ vào quay hình, thu băng, phỏng vấn. Phần quay, thu hình chỉ dành cho cá nhân của nội bộ NKT.
Một quyết định “lạ đời”, gây lên một số câu hỏi thắc mắc. Người ta nói: đã tổ chức rầm rộ sao lại không đón nhận truyền thông quay phim và phỏng vấn? Thắc mắc cứ thắc mắc, qui định được tập thể đồng ý vẫn là thế. Rõ là Lôi Hổ làm chuyện chẳng giống ai.
Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi một vài cá nhân phóng viên giả dạng (trong số thân hữu) vào quay lén và phỏng vấn không chính thức một số anh em. Không sao, chỉ là chuyện bên lề lẻ tẻ.
Dự trù giờ khai mạc là 7:00 pm, nhưng mãi gần 8:00 pm mới bắt đầu. Phần vì số lượng người đến khá đông lại muốn ngồi (theo phe với nhau) nên việc sắp xếp có phần khó khăn.
8:00 giờ kém, khai mạc. MC Phạm Vũ giới thiệu chào mừng phái đoàn cùng quan khách tham dự. Trung (covey) trưởng ban tổ chức được giới thiệu đọc lời chào mừng quan khách và khai mạc buổi lễ. Tiếp đón, chào quốc quân kỳ (Việt Mỹ) trong ngiêm trang yên lặng. Kế là nghiêm trang mặc niệm quân cán chính VNCH bỏ mình, và lễ truy điệu.
Phần truy điệu rất cảm động và rơi lệ. Xúc động quá! Những dòng nước mắt không thể cầm được bên khóe mắt của mấy bà, cả một vài ông. Không gian mờ ão, thời gian như ngừng đọng. Khoảng 15 phút kéo dài, tiếng nhạc réo rắc, dìu dặc, có lúc trầm ấm, có lúc vang dậy. Bản chiêu hồn tử sĩ cứ thế mà vang lên – vang xa, vang vọng khắp cùng, ra ngoài khung cửa. Hàng mấy trăm mái đầu lặng lẽ cúi xuống hoặc ngó thẳng. Từng cánh tay, bàn tay duỗi thẳng theo thân mình, áp vào lồng ngực, đưa lên vành trán trong tư thế chào. Nhiều cách thức có khác, nhưng cái chung là tâm tư, cõi lòng đang ngưỡng vọng tưởng nhớ đến người đã khuất…
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mảnh trăng thu đang dõi dõi soi…
Thấp thoáng chân mây: bao anh linh tử sĩ.
Có bạn bè ta, nơi đó vẫy tay chào!
Một lần để tưởng nhớ, và cũng một lần vĩnh biệt. Cảm động, rơi lệ, xúc động, ngậm ngùi, thật sự đã diễn ra (khoảng 15 phút - khoảng thời gian cũng có thể nói là …thiêng liêng).
Tổng hội trưởng NKT, Đoàn hữu Định được giới thiệu lên đọc lời cảm tạ, nói ý nghĩa tổ chức Tiểu hội, và người lính với tinh thần yêu tổ quốc, nghĩ về quê hương đất nước quê nhà.
Chiến hữu Nguyễn văn Thuận giới thiệu, và trình diện anh em hội ái hữu NKT/bắc CA.
Các hội đoàn, khá đủ các hội đoàn địa phương, có mặt hầu hết đại diện các quân binh chủng: LLĐB, Nhãy Dù, TQLC, BĐQ, KQ, Võ Bị, Trừ bị Thủ Đức, HSQ, ĐPQ/NQ, Cảnh Sát v.v…
Đặc biệt có Th/tướng Bùi thế Lân (TQLC). Cùng với trên 10 Đ/tá. Riêng NKT có Đ/tá Liêu quang Nghĩa, người anh cả đầu đàn…
Các phu nhân mệnh phụ, hình bóng nhan sắc của ngày nào, trải qua bao tháng năm thăng trầm biến đổi, cũng phần nào già đi theo tuổi xế chiều. Tuy nhiên, phong cách vẫn là dáng vẻ trang đài tha thướt – bà quả phụ Ngô thế Linh, bà Nguyễn hương Rĩnh, bà Đào đăng Đại, bà Hồ đăng Nhật…
Từng đoàn, từng tốp cùng nhau lên sân khấu (chỉ một khoảng rộng tương đối), để chụp hình lưu niệm. Có thể nói, hình ảnh khá nỗi bậc là các em, các cháu với chiếc áo dài VN màu vàng với ba lằn sọc đỏ (hình ảnh màu cờ VNCH) hiện hửu nổi bậc trên sân khấu mà hậu cảnh là bức tranh núi rừng, khơi gợi nói lên hình ảnh của toán BK xâm nhập.
Nổi bậc thứ hai là các cháu hậu duệ NKT - ở lớp tuổi từ 3 tuổi đến 10, là hậu duệ của đời 1, đời 2, đời 3 – trang phục quần áo BK hoa dù, nón đỏ, phù hiệu đủ đầy. Mầm non vươn lên, nhựa sống tràn đầy, là hứa hẹn, là tiếp nối cho những hào hùng, vinh quang NKT.
Tiếp tục là ẩm thực, vừa ăn uống vừa ca hát. Hàn huyên tâm sự, chia xẻ vui buồn, xót xa và cảm động ở từng nhóm, từng bàn. Và trên sân khấu, liên tục diễn ca và khiêu vủ.
Những bài hát, những ca sĩ: góp phần lên sân khấn khá là đông. Với đủ mọi thành phần, tài năng. luôn được nồng nhiệt tán thưởng vổ tay.
Ca sĩ Trúc Mai; khá lâu lắm mới nghe lại chị, hát hai bài: “Biết đến bao giờ”: Ai nói với em nếu anh là lính… giọng rất ngọt ngào.
Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào… Từ khi anh là lính chiến, ít về thăm viếng nhà em… Trời ơi! Hồi đó nghe đã mê rồi. Bây giờ càng mê thêm nữa.
Các ca sĩ khác: “Con đường xưa em đi” (Phương Quí). “Anh không chết đâu anh” (Thiên An). “Chiếc lá cuối cùng” (Thúy Nga), chị là phu nhân của một SQ/KQ King Bee, hát bài “Đêm chia ly”: chỉ nghe em nức nở trở về thôi… xa nhau chưa mà lòng quạnh vắng, đời thênh thang gió lộng một mình ta… Nghe mà cảm động, xót xa.
“Trăng tàn trên hè phố” (Song Sơn). “Hoa xoan bên thềm cũ” (Bích Liên)…
Ca sĩ cây nhà là vườn thì có Nguyễn Bác Ái, hát với “Mãi mãi bên em” tặng chi Vũ Tuyết Khanh, phu nhân Th/Tg Bùi Thế Lân chúc hai người Mãi Mãi bên nhau.
Nổi bậc vẫn là NT Nguyễn Phan Tựu, lên hát khá nhiều: “Thăm em đôi ngày rồi anh về”, “Bóng chiều xuân”. Bài nào “cù lũ” hát cũng hay.
Chương trình càng về đêm: “Lính hát lính nghe” càng thêm sôi động và rậm đám. Các bạn TQLC – rõ là lưỡng thể có khác, cái gì chơi cũng được. Bài “Người lính già” Nguyễn Dự sáng tác: có một người lính già, một thời là chiến binh, một thời là tù binh. Chúng ta chờ đợi, chờ đợi cái gì? Chờ lệnh hành quân. Cuộc tình bỏ quên, một thời chiến chinh… Anh hát hay và cảm động, gợi nhớ thời lửa đạn, gợi nhớ cảnh tù đày.
“Tình thư của lính”, Nguyễn văn Hồng TQLC hát tặng NT Th/tướng Bùi thế Lân. NT Bùi thế Lân, hiện diện trong đêm hội ngộ như cánh đại bàng. Người anh cả, bây giờ vóc dáng vẫn nhỏ người (như tướng Phú) đi với phu nhân. Ông thân mật đến bắt tay thăm hỏi từng người lính cũ, thật tình nghĩa, thật cảm động.
Càng về sau, khiêu vũ lại càng quá là sôi động, vui nhộn. Từng bước chân, từng cặp, nhảy hầu như không bao giờ dứt mỗi khi có hát có ca, có đệm nhạc. Các anh vắng nhảy, bây giờ gặp nhau, nhảy không biết chán. Có đào cũng nhảy, không đào, hai tên “đực rựa” cũng đối mặt nhau mà… lả lướt.
Niên trưởng đầu đàn Liêu quan Nghĩa nhảy với ca sĩ Trúc Mai, Đoàn kim Tuấn, Nguyễn quí An, B/S Phạm đức Vượng rất chịu chơi, vui nhảy với mọi người. Nguyễn hữu Thọ (Thọ đen) cái đầu bạc trắng, tóc ngắn quân trường, bản nào cũng thấy cặp với một bà (phì lủ) nhảy mút mùa.
Mọi người nhảy đông nghẹt dưới sàn nhảy, Hoàng mộng Thu cặp với hậu duệ NKT Angela (3 tuổi). Hai “bà cháu” lả lướt, vừa nhảy vừa vổ tay. Một hình ảnh, trông thật là duyên…
Còn nữa, còn nhiều. Nhưng mạn phép, người viết xin tạm ngừng chuyện ca hát nhảy nhót nơi đây. Đêm vui kéo dài gần nữa đêm. Quan khách, mọi người cũng đã lần lượt ra về. Chia tay nhau mà lòng lưu luyến. Hẹn nhau một lần hội khác. Tất cả đều có chung cảm nghĩ: đêm hội ngộ khá là vui, chan hoà tình nghĩa, thân mến, thân mật. Một lần tổ chức rất đổi thành công.
Nguyễn Dẩn SJ.